Sự hỗ trợ pháp lý của Luật sư Việt Nam và Nhật Bản tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư quốc tế giữa hai nước

7/12/2022

(Nguồn lsvn.vn) – Chiều nay (07/12), Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sự hỗ trợ pháp lý của Luật sư Việt Nam và Nhật Bản tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đây là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. 

+

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; bà Inokura Minako, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Mariko Matsumura, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản; ông Yoshimichi Makiyama, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản; ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản tại Việt Nam; ông Masanori Tsukahara, Chuyên gia pháp lý dài hạn thuộc JICA Nhật Bản tại Việt Nam.  

Về phía đại biểu các ban, bộ, ngành, Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; bà Đỗ Thị Thu Hằng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Trần Tuấn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, các doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam, các Luật sư hành nghề tới từ các công ty luật của Nhật Bản và Việt Nam, cùng các đại biểu của nhiều cơ quan, ban, ngành.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng tin cậy trên nhiều mặt kinh tế - văn hóa – xã hội. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tạo ra nền tảng cho sự hợp tác của các tổ chức kinh tế văn hoá xã hội, đặc biệt là hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Các hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong suốt thời gian qua đã có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc thực thi pháp luật trong đời sống xã hội, đồng thời cũng đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp về dân sự, kinh tế, nâng cao năng lực nguồn nhân lực pháp luật của Việt Nam.

Trong hơn 10 năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, trong đó đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và về đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư, tạo cơ hội cho đội ngũ Luật sư hai nước giao lưu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó góp phần cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh: “Hội thảo lần này là sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Thông qua Hội thảo, các cơ quan ban ngành, tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ Luật sư của hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị, và đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian. Tôi tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thành công hơn nữa tại Việt Nam và gắn kết với đội ngũ Luật sư của hai nước”.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản bày tỏ sự tin tưởng rằng hoạt động này sẽ tiếp tục góp phần tăng cường quan hệ giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản; đồng thời cũng góp phần mang ý nghĩa thiết thực trong kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Trong 50 năm vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã có rất nhiều sự hợp tác, phối hợp. Tổ chức Luật sư ở Việt Nam đã ra đời từ rất sớm trên cơ sở Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, cả nước có hơn 17.200 Luật sư hoạt động trong hơn 4.000 tổ chức, trong đó hơn 1.000 Luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, thương mại quốc tế có năng lực chuyên môn và khả năng hội nhập vào thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế; không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các Hiệp hội Luật sư nước ngoài như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Malaysia..., tham gia sâu hơn vào các hoạt động của Hiệp hội luậtsư quốc tế (IBA), Hội Luật Châu Á-Thái Bình Dương (Law Asia)...

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đánh giá kết quả này có sự góp phần quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong quá trình đổi mới, phát triển, đội ngũ Luật sư Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào quá trình thúc đẩy hoạt động đầu tư quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản thông qua các hoạt động hỗ trợ pháp lý, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, triển khai hoạt động đầu tư thuận lợi, đúng pháp luật, phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Bà Trương Thị Mai tin tưởng rằng, thông qua Hội thảo, các bên sẽ có những trao đổi, chia sẻ để góp phần tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản; tăng cường quan hệ của hai nước. Bà hi vọng, hai Liên đoàn Luật sư sẽ tiếp nhận các ý kiến của các bên trong hội thảo để kiến nghị, phối hợp và tháo gỡ với các cơ quan hữu quan trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam cũng cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung pháp luật chính sách pháp luật liên quan về đầu tư kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, ông Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng đánh giá những hoạt động giao lưu thường xuyên giữa 2 nước trong thời gian vừa qua thể hiện quan hệ song phương giữa 2 nước. Vấn đề pháp lý và tư pháp là một trong những yếu tố góp phần nâng cao mối quan hệ giữa các bên. Trong xã hội hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp là một trong những yêu cầu tất yếu. Các doanh nghiệp cũng yêu cầu về pháp lý cao hơn, đặc biệt về thương mại quốc tế, đầu tư, hỗ trợ pháp lý.

Ông hi vọng, Hội thảo này sẽ là cơ hội để thúc đẩy sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có đóng góp lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, Luật sư tại Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày các tham luận.

Với tham luận “Chính sách pháp luật hỗ trợ hoạt động đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản” do Luật sư Hà Hoàng Lộc, Luật sư thành viên Công ty luật TNHH Nishimura & Asahi, Luật sư điều hành Văn phòng TP. Hồ Chí Minh đã khái quát được bức tranh toàn cảnh về đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian qua, trong đó đóng góp quan trọng là cơ chế chính sách của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.

Đồng thời, Luật sư Lộc cũng chỉ ra những bất cập về pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Tham luận “Làm thế nào để phát triển và huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam theo phương thức đối tác công tư (PPP)?”, do Luật sư Trần Tuấn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư sáng lập Công ty luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF – Hồng Đức) trình bày.

Bằng kinh nghiệm của mình, Luật sư Phong đã đưa ra những giải pháp mang tính đột phá về cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức PPP.

Tại Hội thảo, các Luật sư Nhật Bản cũng đã trình bày các tham luận liên, trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề cải thiện khung khổ pháp lý của hai nước để thúc đẩy đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế xứng đáng với tiềm năng hiện có.

Tại Hội thảo, ông Hitoshi Watanabe, Phó Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Nissho Electronics Việt Nam cũng đã chia sẻ những  khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục xin giấy phép tại Việt Nam. Đồng thời, hi vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất để thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.

Tại phiên thảo luận, Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá về xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản về cung cấp dịch vụ pháp lý khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam; những hạn chế, vướng mắc khi đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý của các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Các đại biểu cũng đã đưa ra những ý kiến, sáng kiến hợp tác, liên kết giữa Luật sư Việt Nam và Luật sư Nhật Bản…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao Hội thảo, những tham luận và các ý kiến thảo luận của các chuyên gia, Luật sư tại Việt Nam và Nhật Bản. Theo ông Hiếu, đây là diễn đàn rất quan trọng, góp phần đề cao hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo cũng đã nhận được các ý kiến của các đại biểu đưa ra những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, thủ tục hành chính,...; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cho đầu tư quốc tế giữa 2 nước.

Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao những tham luận và các ý kiến thảo luận của các chuyên gia, Luật sư tại Việt Nam và Nhật Bản tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Luật sư, doanh nghiệp tại Việt Nam và Nhật Bản sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc trong đầu tư kinh doanh có nguyên nhân là do hiểu chưa đúng, chưa đủ quy định của pháp luật. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp, cán bộ. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần sớm có ý kiến gửi đến các bộ ngành đề hoàn thiện, xây dựng pháp luật. Ngoài ra, các tổ chức cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá cao những tham luận tại Hội thảo. Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiếp thu những ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo đã góp phần để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và việc cung cấp các dịch vụ pháp lý của Luật sư thương mại quốc tế hai nước Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời là diễn đàn để các cơ quan và Luật sư liên quan của hai nước cùng thảo luận về các vấn đề pháp luật Việt Nam cũng như những nội dung mà Nhật Bản quan tâm khi hợp tác đầu tư với Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao.

HOÀI THƯƠNG

Từ khóa: , ,

Bài viết liên quan