Về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự

4/11/2022

 

Bài nghiên cứu của Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

https://lsvn.vn/ve-nguoi-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-bi-hai-trong-to-tung-hinh-su1668447441.html#:~:text=Theo%20%C4%91%C3%B3%2C%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20b%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87,t%E1%BB%A5ng%20h%C3%ACnh%20s%E1%BB%B1%20n%C4%83m%202003).

 

+

 

Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan tại phiên tòa hình sự TAND tỉnh Thái Nguyên


(LSVN) - Bài viết đề cập đến chế định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, thực tiễn thực hiện pháp luật, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện và hướng đề xuất, kiến nghị.

 


Đặt vấn đề

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là một trong những chủ thể tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại được hiểu đó là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại khi bị hại có yêu cầu và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận theo quy định của pháp luật. Bị hại có thể là một hay nhiều cá nhân nhưng bị hại cũng có thể là các cơ quan, tổ chức.

Về mặt lý thuyết, bị hại chính là nạn nhân bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, danh dự, uy tín do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, một nạn nhân chỉ được xác định là bị hại nếu được chứng minh thông qua quy trình tố tụng của một vụ án hình sự. Khi một nạn nhân được xác định là bị hại thì họ có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự và có các quyền và nghĩa vụ nhất định của mình, trong đó có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Chế định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đã được quy định tương đối cụ thể trong pháp luật tố tụng hình sự qua các thời kỳ, vị trí, vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại dần dần được khẳng định. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện hành với nhiều quy định tiến bộ, trong đó chế định “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại” được quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 84. Theo đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có thể là luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý (mở rộng thêm 2 đối tượng là người đại diện và trợ giúp viên pháp lý so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Ngoài ra, Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, theo đó, cùng với chủ thể là người bào chữa thì vị trí, vai trò tranh tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại được đề cao và phát huy không chỉ ở giai đoạn xét xử mà ở tất cả các giai đoạn của một quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Thực tiễn thực hiện quy định của pháp luật về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự     

Có thể nói Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thực sự khoa học, tiến bộ và có tính khả thi cao. Bộ luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi tội phạm, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định.

Liên quan đến chế định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định và khẳng định rõ: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là một trong các chủ thể tham gia tố tụng. Họ tham gia vụ án hình sự với tư cách là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức) khi bị hại có yêu cầu và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận theo quy định của pháp luật.

Bị hại nếu có điều kiện tốt có thể nhờ luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ trong vụ án hình sự nếu phát sinh thiệt hại về tài sản, tính mạng, tổn thất tinh thần (bị hại là cá nhân) hoặc danh dự, uy tín, tài sản (bị hại là cơ quan, tổ chức). Đối với bị hại là cá nhân không có điều kiện kinh tế, là người yếu thế, thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì họ có thể nhờ trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Ngoài ra, nếu bị hại là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần hay người dưới 18 tuổi thì họ có thể nhờ đại diện hợp pháp là người bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong một số trường hợp đặc biệt, bị hại có thể nhờ bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền lợi cho mình trong vụ án hình sự.

Điều thuận lợi nhất đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đó là các quyền và nghĩa vụ đã được quy định rõ trong luật. Khi tham gia tố tụng, chủ thể này được thực hiện rất nhiều quyền như quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; quyền được kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; quyền yêu cầu giám định, định giá tài sản; quyền có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra; quyền tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa; quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền được đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung đầy đủ quy định về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự nhằm đặt yêu cầu đối với các cơ quan tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện, tránh tâm lý chủ quan, một chiều trong quá trình chứng minh về vụ án. Điều này tạo thuận lợi lớn cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong quá trình tham gia tố tụng, tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.

Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện pháp luật liên quan đến chế định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại còn cho thấy nhiều bất cập, hạn chế. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong đời sống xã hội. Một số quy định vẫn còn mang tính hình thức, mẫu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó thực hiện hoặc được hiểu khác nhau làm cho việc áp dụng thiếu thống nhất. Đặc biệt, do kỹ thuật lập pháp chưa thực sự khoa học, phù hợp với thực tiễn dẫn đến sự thiếu bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng. Cụ thể là, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đều có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tuy nhiên so với người bào chữa thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền thu thập chứng cứ; quyền đề nghị thu thập chứng cứ; quyền đề nghị giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; quyền được đề nghị yêu cầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyền được tống đạt đầy đủ văn bản tố tụng.

Trong một vụ án hình sự, nếu như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại không được thực hiện các quyền nói trên, vô hình chung tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng với nhau. Điều này cũng làm triệt tiêu vai trò, vị trí của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại khi tham gia tố tụng.

Một số kiến nghị

Những hạn chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến chế định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp trong thời kỳ hội nhập.

Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự theo hướng dân chủ hóa hoạt động tố tụng, phải xem việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại vào quá trình tố tụng hình sự là sự giám sát tốt nhất đối với các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và trên tinh thần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.

Bên cạnh việc làm rõ chức năng buộc tội, chức năng xét xử thì cần phải chú ý đến chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại của những người tham gia tố tụng là luật sư, bào chữa viên nhân dân, đại diện hợp pháp hay trợ giúp viên pháp lý khi họ tham gia tố tụng.

Cần tăng cường các quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại để bảo đảm quyền bình đẳng với các chủ thể khác nhằm phát huy vai trò, vị trí của họ trong quá trình tham gia tố tụng. Khi tăng cường các quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đồng nghĩa với việc các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tạo điều kiện để người bảo vệ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Quy định rõ trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng và các chủ thể tố tụng khác khi giải quyết vụ án hình sự. Khi tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cần được tạo điều kiện để tranh tụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng. Việc tranh tụng không chỉ bó hẹp ở giai đoạn xét xử mà xuyên suốt các giai đoạn tiền tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử.

Quy định chế tài đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trường hợp họ có những hành vi, việc làm gây khó khăn, cản trở người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại khi họ thực thi nhiệm vụ, làm xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của bị hại.

Kết luận

Thực tiễn thực hiện pháp luật về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự ở Việt Nam tuy có những mặt tích cực nhưng cũng có không ít hạn chế. Những hạn chế đó nếu không được nhìn nhận một cách đúng đắn và có những định hướng sửa đổi, bổ sung kịp thời có thể làm triệt tiêu vai trò, vị trí người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự. Điều đó đặt ra yêu cầu cho nhà làm luật cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Luật sư LƯU THỊ NGOC LAN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

NCS Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà N

Từ khóa: , , , ,

Bài viết liên quan