Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

31/12/2016

Tóm tắt: Bài viết đề cập quy định mới về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, đồng thời nêu lên những bất cập và giải pháp hoàn thiện trong quá trình đưa Luật vào cuộc sống.

Summary: the article refers to the new regulations on the principle of litigation assurance in the 2015 criminal procedure code, and also up to the results and solutions to completion of the law.

Từ khóa: nguyên tắc tranh tụng; chủ thể buộc tội; chủ thể gỡ tội; công khai chứng cứ

+


 Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan
 
 

1. Cở sở của việc quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử

Bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 ngày 24/5/2005 của Bộ  Chính trị “ Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đều đề cập đến quan điểm, đường lối cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ. Vấn đề bảo đảm tranh tụng  tại các phiên tòa được xác định là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp.

Trước đây, việc bảo đảm nguyên tắc tranh cũng đã được thể hiện ít nhiều trong các quy định trong Bộ luật TTHS năm 1988, Bộ luật TTHS năm 2003. Tuy nhiên, do kỹ thuật lập pháp còn lỏng lẻo, việc quy định chưa rõ ràng, cụ thể nên quá trình thực hiện  còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Hiệu quả tranh tụng chưa cao.

Bộ luật TTHS năm 2015 ra đời đã dự đoán một điểm sáng trong công cuộc cải cách tư pháp khi quy định hẳn một điều luật mới về việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam [1, Điều 26]. Tranh tụng không chỉ đặt ra trong giai đoạn xét xử mà nó xuyên suốt cả một quá trình tố tụng kể từ giai đoạn “tiền khởi tố” cho đến khi vụ án kết thúc.

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính khách quan, công bằng, dân chủ. Yêu cầu “nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử” [2] được đặt ra với tiêu chí là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp.

Việc quy định “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”  góp phần định hướng cho các chủ thể tham gia tố tụng vận dụng pháp luật được dễ dàng, thuận tiện.

2. Những nội dung chủ yếu của nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

* Bảo đảm quyền bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng

Bản chất của tranh tụng là sự tranh luận giữa các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) dựa trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, làm cơ sở cho việc ra phán quyết của Tòa án. 

Khi thực hiện tranh tụng, một bên có quyền biết về chứng cứ, lập luận của phía bên kia đồng thời đưa ra những chúng cứ, lập luận của mình để phản bác lại.

Điều kiện quan trọng nhất để tranh tụng có hiệu quả đòi hỏi chủ thể buộc tội ( Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người có thẩm quyền tố tụng khác) và chủ thể bên gỡ tội gồm người bị buộc tội (người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo) và người bào chữa phải bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng của mình. Đây là một nguyên tắc được xác định trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Sự bình đẳng giữa các chủ thể đại diện cho bên buộc tội và bên gỡ tội thể hiện trong việc họ được thực hiện các quyền cơ bản của mình.

Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định rằng :“Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.”

 Trước đây, trong Bộ luật TTHS năm 2003 thì việc bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội chỉ được thể hiện tại giai đoạn xét xử theo đó: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.”[4, Điều 19]

Như vậy, so với Bộ luật TTHS năm 2003 thì tính tiến bộ của nguyên tắc tranh tụng trong Bộ luật TTHS năm 2015 đã được quy định rất cụ thể. Các chủ thể bên gỡ tội hoàn toàn bình đẳng với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đại diện cho bên buộc tội.

Tính bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thể hiện trong việc họ có quyền ngang nhau trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ và đưa ra yêu cầu đối với phía bên kia. Tòa án là chủ thể thực hiện chức năng xét xử giữ vai trò là trọng tài bảo đảm cho tranh tụng được bình đẳng. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, bên bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.

Quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ hay đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án của bên buộc tội và bên gỡ tội được thực hiện xuyên suốt từ quá trình khởi tố, điều tra, cho đến giai đoạn truy tố, xét xử chứ không chỉ trong giai đoạn xét xử.

Tính bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ:

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Nếu như pháp luật quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là chủ thể buộc tội khi tiến hành các hoạt động tố quyền tự thu thập, quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử…thì người bị buộc tội hay người bào chữa đại diện cho chủ thể gỡ tội  cũng có quyền thu thập chứng để phục vụ cho việc tham gia tố tụng của mình.

Bộ luật TTHS năm 2015 quy định những người tham gia tố tụng như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ  trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều có quyền đưa ra chứng cứ dưới nhiều hình thức khác nhau như trình bày lời khai, trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu,  đồ vật, yêu cầu. Đặc biệt, pháp luật cho họ quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.[2, Điều 58, 59, 60, 61]

Đối với người bào chữa, khi tham gia tố tụng họ có quyền  thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu [2, Điều 73].

Trước đây, Bộ luật TTHS năm 2003 không quy định cụ thể người bào chữa có chức năng tự thu thập chứng cứ. Nay Bộ luật TTHS năm 2015 đã có sự tiến bộ khi quy định “ Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi; nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án” [2, Điều 88]

Việc thu thập và xuất trình chứng cứ của bên gỡ tội không bị  hạn chế, không gặp bất kỳ sự cản trở nào từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Chủ thể buộc tội buộc phải tôn trọng quy định này.

 Khi tiếp nhận chứng cứ mà bên gỡ tội cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận theo quy định của Bộ luật TTHS. [2, Điều 88].

Tính bình đẳng trong việc đánh giá chứng cứ:

Xuất phát từ việc coi chứng cứ là căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, do vậy việc đánh giá chứng cứ rất quan trọng. Nó phụ thuộc vào trình độ, nhận thức chủ quan của mỗi cá nhân người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hay người tham gia tham gia tố tụng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí thì đánh giá chứng cứ là quá trình hoạt động phân tích của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm xác định giá trị chứng minh của chứng cứ đối với những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án hình sự. Khi đánh giá chứng cứ  cần hiểu và làm rõ được các thuộc tính vốn có của chứng cứ bao gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp [5].

Quá trình đánh giá chứng cứ không chỉ các chủ thể bên buộc tội mà cả chủ thể bên gỡ tội đều phải có tinh thần đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án. Việc đánh giá chứng cứ giữa hai bên buộc tội và gỡ tội cũng phải bình đẳng.

Theo Bộ luật TTHS năm 2015, thì trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, những người tham gia tố tụng gồm người bị giữ  trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền đánh giá chứng cứ thông qua việc trình bày ý kiến của mình về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan có trong hồ sơ vụ án.

Người bào chữa  cũng có quyền đánh giá chứng cứ, kiểm tra chứng cứ và trình bày ý kiến của mình về chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Bên buộc tội có trách nhiệm bảo đảm cho người bào chữa thực hiện các quyền của họ.

Tính bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu làm rõ sự thật khách quan của vụ án:

Sự thật khách quan của vụ án là vấn đề trọng tâm cần hướng tới trong quá trình giải quyết vụ án.

Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng do vậy họ có quyền đưa ra các yêu cầu đối với người bị buộc tội nhằm làm rõ các tình tiết của vụ án.

Trong Bộ luật TTHS năm 2003, quyền đưa ra yêu cầu làm rõ sự thật khách quan của vụ án chỉ đặt ra đối với chủ thể bên buộc tội. Người bị buộc tội không có quyền này. Người bào chữa có một số quyền nhưng bị hạn chế.

Bộ luật TTHS năm 2015 đã khắc phục được hạn chế nêu trên hơn khi quy định người bị buộc tội, người bào chữa  có quyền đưa ra những yêu cầu, đề nghị có liên quan trong vụ án đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó, người bị giữ  trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho biết lý do mình bị giữ, bị bắt; người bị tạm giữ có quyền yêu câu cho biết lý do mình bị tạm giữ; bị can có quyền yêu cầu cho biết lý do mình bị khởi tố. Tất cả họ đều có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá các chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Đối với người bào chữa, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định theo hướng mở rộng các quyền cho chủ thể gỡ tội. Ngoài việc có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ thì người bào chữa có quyền đưa ra các yêu cầu liên quan đến việc được xem biên bản về hoạt động tố tụng, các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bảo vệ; quyền đưa ra yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; quyền đưa ra yêu cầu, đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyền đưa ra yêu cầu triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác; quyền đưa ra yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản...

Trong từng giai đoạn tố tụng, khi người bị buộc tội, người bào chữa đưa ra những yêu cầu cụ thể để làm rõ sự thật khách quan của vụ án thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được cản trở mà phải tôn trọng và tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó một cách tốt nhất có thể. Đó là thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong tố tụng hình sự.

2. Bảo đảm tính công khai chứng cứ tại phiên tòa

Có thể nói, trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự thì hoạt động kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ là một vấn đề hết sức quan trọng. Cơ sở để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội như cáo trạng của VKS đã truy tố hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định khách quan của HĐXX. Và để đưa ra nhận định khách quan thì mọi chứng cứ cần được công khai tại phiên tòa.

Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định: Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp… Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Như vậy có thể thấy rằng tại phiên tòa, việc kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ  được thực hiện một cách công khai với mục đích bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Thông qua việc công khai chứng cứ, bên buộc tội và bên gỡ tội sẽ góp phần làm rõ thêm bản chất của vụ án. Trên cơ sở đó sẽ làm rõ được các yêu cầu đặt ra trong quá trình giải quyết vụ án như có sự việc phạm tội xảy ra không? Ai là người thực hiện tội phạm, họ có lỗi, có năng lực trách nhiệm hình sự không? Thời gian, không gian, địa điểm thực hiện tội phạm và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Để bảm đảm cho nguyên tắc tranh tụng và bảo đảm tính công khai chững cứ, lẽ dĩ nhiên các bên tranh tụng (gồm bên buộc tội, bên gỡ tội) phải có mặt đầy đủ tại phiên tòa.

Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

3. Bảo đảm kết quả tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ đưa ra Bản án, quyết định của Tòa án.

Điều 26- Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định rằng: Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Trước đây, khi chưa có Bộ luật TTHS năm 2015, để bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tung, ngày 23-11-2012 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH 13 theo đó đặt ra yêu  cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong đó có các Tòa án phải tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật.

Kế thừa Hiến pháp  năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng quy định: Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng [6, Điều 13]

Như vậy, bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một nguyên tắc cơ bản  Tòa án cần hướng tới. Có tranh tụng bình đẳng, có công khai chứng cứ tại phiên tòa thì Tòa án mới có những nhận định khách quan để đưa ra những phán quyết phù hợp với quy định của pháp luật để những người tham gia tố tụng tâm phục, khẩu phục.

Tại phiên tòa, bên buộc tội và bên gỡ tội thực hiện chức năng tranh tụng của mình thông qua việc xét hỏi, tranh luận và đối đáp. Xét hỏi để làm rõ những tình tiết trong vụ án.  Tranh luận để đưa ra  quan điểm về vụ án. Đối đáp thể hiện sự phản đối hoặc đồng ý với quan điểm của phía bên kia.

Thông qua xét hỏi, tranh luận, đối đáp, bên buộc tội và bên gỡ tội đều có điều kiện áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của  các chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kiểm tra các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền tố tụng (CQĐT, VKS) có trong hồ sơ vụ án nhằm hạn chế các những vi phạm tố tụng, hoặc những sơ xuất, sai lầm không đáng có trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Tòa án với vai trò là cơ quan xét xử sẽ là trọng tài kiểm tra đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện các chứng cứ, các tình tiết của vụ án hình sự, thông qua quan điểm tranh luận, đối đáp của của bên buộc tội và bên gỡ tội để đưa ra những nhận định khách quan, làm rõ bản chất vụ án, đưa ra phán quyết nghiêm minh, công bằng, tránh bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội.

Như vây, việc bảo đảm kết quả tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ đưa ra bản án, quyết định của Tòa án.

III- Thực trạng và giải pháp bảo đảm tranh tụng trong xét xử.

Mặc dù bảo đảm tranh tụng là một nguyên tắc hiến định và Bộ luật TTHS năm 2015 đã dành hẳn một điều để quy định về nguyên tắc này (Điều 26). Đó là một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Sự bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ, xuất trình chứng cứ và đánh giá chứng cứ còn nhiều bất cập bởi địa vị pháp lý của chủ thể tố tụng là khác nhau.

Xuất phát từ tình hình thực tế, bên buộc tội ( Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên  và những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác) là những người tiến hành tố tụng thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật có nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.  Ngược lại, người bị buộc tội (người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) là đối tượng bị cho là có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm vào khách thể mà Bộ luật hình sự bảo vệ. Họ chịu sự quản lý, theo dõi, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.  Do vậy, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, yếu tố bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án rất khó thực hiện được. Trong nhiều trường họp không có sự bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ.

Đối với người bào chữa, Bộ luật TTHS năm 2015 cũng đã quy định chi tiết và mở rộng quyền của chủ thể này nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng được thực hiện. Mặc dù vậy, người bào chữa vẫn gặp những rào cản khi tham gia tố tụng.

Khi quy định về quyền của người bào chữa, tại Điều 73- Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn tồn tại quy định: Người bào chữa muốn được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thì phải được người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý. Vậy nếu họ không đồng ý thì sao? Trong trường hợp này người bào chữa sẽ khó có cơ hội tiếp cận, hỏi thân chủ của mình để thu thập thông tin, hoặc làm rõ một số nội dung tình tiết cần được làm rõ trong vụ án để phục vụ cho việc bào chữa của mình.

Không chỉ có vậy, người bào chữa muốn chủ động về địa điểm và thời gian để có mặt khi lấy lời khai, tham gia hỏi cung nhưng không được vì Luật quy định thời gian địa điểm lấy lời khai, hỏi cung do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định. Nếu người bào chữa bận do phải tham gia hoạt động tố tụng của một vụ án khác thì buổi lấy lời khai, hỏi cung vẫn diễn ra bình thường mà không cần có sự tham gia của người bào chữa. Như vậy, cơ hội tiếp xúc với người bị buộc tội bị hạn chế.

Luật quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa khi tham gia lấy lời khai, hỏi cung bị can. Tuy nhiên lại không quy định là báo trước thời gian là bao nhiêu ngày dẫn đến việc ngày mai hỏi cung thì hôm nay người bào chữa mới được thông báo. Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp này người bào chữa sẽ rất khó thu xếp để tham gia được khi đã có lịch một vụ việc khác. Vậy, vắng người bào chữa thì buổi lấy lời khai, buổi hỏi cung có thực sự khách quan không? Nguyên tắc tranh tụng có được bảo đảm không? Quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội có được bảo đảm không khi bản thân họ là người không am hiểu pháp luật.

Trong giai đoạn xét xử, mặc dù Bộ luật TTHS năm 2015 quy định chủ tọa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho chủ thể buộc tội, chủ thể gỡ tội được tranh luận, trình bày hết ý kiến của mình, tuy vậy lại vẫn quy định rằng chủ tọa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Ở đây, hiểu thể nào là ý kiến không liên quan hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cá nhân người tiến hành tố tụng. Với người bị buộc tội hay người bào chữa thì ý kiến trình bày đó là nội dung minh chứng cho quan điểm bào chữa của mình. Nhưng với chủ tọa phiên tòa khi không hiểu rõ lại cho rằng ý kiến đó không liên quan và họ có quyền cắt đi. Và như vậy quyền tranh luận của bên gỡ tội đã bị hạn chế. Nguyên tắc tranh tụng chưa được bảo đảm tuyệt đối.

Thiết nghĩ, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần thiết phải có một số giải pháp sau đây:

Một là, về mặt kỹ thuật lập pháp trong tương lai cần sửa đổi các điều luật theo hướng quy định các quyền năng của chủ thể gỡ tội là quyền chủ động, không bị phụ thuộc bởi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền tiếp xúc với người bào chữa không chỉ tại phiên tòa mà cả trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung.

Hai là, xây dựng cơ chế quy định thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự phù hợp, bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong việc thu thập và cung cấp chứng cứ.

Ba là,  xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng được tiến hành thật sự dân chủ, khách quan, bình đẳng. Văn hóa pháp đình cần được tôn trọng.

Bốn là, xây dựng cơ chế đảm bảo sự tham gia rộng rãi của người bào chữa vào quá trình giải quyết vụ án để phát huy hiệu quả tranh tụng.

Năm  là, cần thay đổi tư duy, nhận thức của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, xây dựng cơ chế bảo đảm cho mọi bản án, quyết định của Tòa án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa. Nghiêm túc loại bỏ tình trạng “họp ba ngành”, tình trạng “án bỏ túi” vẫn còn tồn tại trong thực tế đời sống.

Cuối cùng, cần phải vận dụng những quy định tiến bộ của các nước trên thế giới khi quy định quyền im lặng của người bị buộc tội. Quá trình lấy lời khai hay hỏi cung bị can, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thiết phải giải thích cho người bị buộc tội  hiểu rằng họ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Với một số giải pháp nêu trên phần nào sẽ khắc phục được những bất cập trong quá trình áp dụng luật đồng thời tăng cường hiệu quả của việc thực thi nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử ở Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013

[2] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015)- Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Hà Nội

[3] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

[4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003)- Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003, Hà Nội

 [5] PGS. TS. Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên) (2013), Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003)- Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH 13 ngày 24 tháng 11 năm 2014, Hà Nội

 

Từ khóa: , ,

Bài viết liên quan