Sự tham gia của luật sư vào quá trình bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015
31/10/2017
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến những quy định mới trong Bộ luật TTHS năm 2015 về việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng.
Summary: The article refers to new regulations in the 2015 law on assurance of the principle of litigation in the trial and the role of lawyers when participating in legal proceedings.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan tại phiên tòa hình sự TAND thành phố Hà Nội
Mặc dù, so với Bộ luật TTHS năm 1988 thì Bộ luật TTHS năm 2003 đã có nhiều tiến bộ khi sửa đổi, bổ sung những quy định về thủ tục tố tụng theo hướng tăng thẩm quyền cho các cơ quan THTT cấp huyện, xác định chính xác hơn về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của những người THTT, tạo thế chủ động cho các cơ quan THTT chứng minh tội phạm và người phạm tội nhằm góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh, trật tự đất nước, mở rộng hơn quyền của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia vào hoạt động TTHS, đặc biệt là nâng cao vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, Bộ luật TTHS năm 2003 vẫn bộc lộ những hạn chế nhất đinh. Các quy định của Bộ luật vẫn chưa tạo cơ hội để những người tham gia tố tụng đưa ra được những chứng cứ chứng minh về việc mình bị buộc tội, xét xử. Vai trò của các chủ thể tham gia tố tụng trong đó có luật sư chưa được tôn trọng, bảo vệ. Việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, nhất là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị hạn chế.
Trong Bộ luật TTHS năm 2003, chúng ta vẫn thấy thiếu những quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm tính công khai, dân chủ. Vấn đề bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Vẫn còn tình trạng “ họp 3 ngành” và tình trạng “án bỏ túi”.
Bộ luật TTHS năm 2003 chưa có những quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc thực thi nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Các quy định trong Bộ luật chỉ mang tính hình thức, hiểu quả thực hiện chưa cao trong thực tiễn.
Và như vậy, Bộ luật TTHS 2003 vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
2. Quy định tiến bộ trong Bộ luật TTHS năm 2015
Hiện tại, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày ngày 27 tháng 11 năm 2015 (gọi tắt là Bộ luật TTHS năm 2015) đã khắc phục được những hạn chế nêu trên khi sửa đổi, bổ sung những quy định theo hướng dân chủ hoá hoạt động tố tụng. Đặc biệt, Bộ luật TTHS năm 2015 đã khẳng định nguyên tắc tranh tụng phải được bảo đảm và ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động TTHS. Nguyên tắc tranh tụng được thể chế hóa từ nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp 2013 [1, khoản 5 Điều 103]. Song song với việc bảo đảm nguyên tắc tranh tranh thì vai trò, vị trí của luật sư khi tham gia tố tụng cũng được đề cao. Cùng với việc quy định rõ chức năng buộc tội của VKS, chức năng xét xử của TA thì chức năng bào chữa của luật sư được tôn trọng và bảo vệ.
Không thể phủ nhận vai trò của luật sư đối với việc thực thi bảo đảm nguyên tắc tranh tụng bởi nguyên tắc tranh tụng được coi là căn cứ pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Nguyên tắc này thể hiện cụ thể ở các nội dung sau;
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, ĐTV, KSV, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do VKS chuyển đến TA để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử VAHS phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. TA có trách nhiệm tạo điều kiện cho KSV, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước TA.
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Bản án, quyết định của TA phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa [2, Điều 26].
Nhìn từ quy định trên đây cho thấy vai trò của luật sư đối với việc thực thi nguyên tắc bảo đảm tranh tụng được khẳng định rõ nét hơn. Luật sư có cơ hội và có một “sân chơi” rộng lớn hơn để phát huy vai trò và khả năng tranh tụng của mình.
3. Phát huy vai trò của luật sư trong hoạt đông tranh tung
Xuất phát từ bản chất: Tranh tụng là cách thức tốt nhất để tìm ra sự thật khách quan của vụ án đồng thời cũng là cách thức bảm đảm tốt nhất quyền con người trong TTHS , do đó “tranh tụng đòi hỏi có sự phân công rành mạch giữa các chức năng của TTHS là chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xử” [3].
Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định rõ hơn về mối quan hệ, vị trí, sự bình đẳng giữa những người có thẩm quyền THTT (ĐTV, CBĐT, KSV, KTV) và những người tham gia tố tụng ( Luật sư, người bị buộc tội, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người tham gia tố tụng khác) trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ và đưa ra yêu cầu đối với bên kia là quyền của các bên. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội. Bên bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải đưa ra chứng cứ chứng minh mình vô tội. TA giữ vai trò trung tâm bảo đảm cho sự bình đẳng trong quá trình tranh tụng. Các chủ thể tranh tụng (KSV, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác) đều được TA tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình tại phiên tòa.
Nguyên tắc tranh tụng được thể hiện xuyên suốt quá trình TTHS bắt đầu từ khi có sự buộc tội của bên buộc tội. Khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp, khi tạm giữ người, khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì hoạt động tranh tụng đã diễn ra và nó kéo dài cho đến khi vụ án được giải quyết bằng một bản án, một quyết định của TA có hiệu lực pháp luật.
Mặc dù cụm từ “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” quy định tại Điều 26- Bộ luật TTHS năm 2015 nhưng nội dung tranh tụng của điều luật lại không chỉ xuất hiện ở giai đoạn xét xử nơi mà có sự hiện diện đầy đủ của ba bên, bên buộc tội, bên gỡ tội và bên xét xử, mà còn xuất hiện ngay từ giai đoạn tiền khởi tố, giai đoạn điều tra, truy tố. Chủ thể tham gia quan hệ tranh tụng bao gồm cả ĐTV, CBĐT, KSV, KTV, những người khác có thẩm quyền THTT, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luật sư và người tham gia tố tụng khác.
Nếu tranh tụng giữa các bên chỉ được thực hiện trong giai đoạn xét xử thì việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng sẽ không hiệu quả bởi các bên chủ thể không có điều kiện và thời gian cần thiết để thu thập các chứng cứ, tài liệu và giải quyết các tình tiết của vụ án để chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa.
Là chủ thể gỡ tội, luật sư có vai trò quan trọng đối với việc thực thi nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Luật sư tham gia vào giai đoạn nào thì luật sư sẽ phát huy vai trò tranh tụng của mình ở giai đoạn đó. Luật sư được thực hiện các quyền của người bào chữa.
Trước đây, trong Bộ luật TTHS năm 2003 thì quyền bào chữa xuất hiện vào thời điểm một người bị tạm giữ [4]. Nhưng đến Bộ luật TTHS năm 2015, thì quyền bào chữa của người bị buộc tội xuất hiện sớm hơn, đó là kể từ thời điểm một người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt [2, Điều 58].
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ [2, Điều 74].
Trong quá trình giải quyết VAHS, việc luật sư xuất hiện sớm có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết sự hiện diện của luật sư sẽ giúp người bị buộc tội ổn định về tâm lý, có sự bình tĩnh, kịp thời bảo vệ được những quyền lợi hợp pháp của họ.
Bên cạnh đó, luật sư tham gia vào vụ án sớm cũng góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền THTT giải quyết vụ án một cách chính xác, tránh những vi phạm tố tụng nghiêm trọng và những sai sót có thể xảy ra.
Bộ luật TTHS năm 2015 đưa ra quy định luật sư được tham gia tố tụng sớm hơn là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa [1, Điều 3, khoản 4].
Việc luật sư tham gia vào vụ án không chỉ tốt cho người buộc tội, cho người bị hại, các đương sự trong vụ án mà còn góp phần làm cho nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Tránh tình trạng ép cung, mớm cung trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, khi tham gia tố tụng luật sư có một số các quyền cụ thể [2, Điều 73, Điều 84].
Luật sư có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ; có quyền tham gia hỏi cung để nghe việc lấy lời khai. Nếu theo Bộ luật TTHS năm 2003 thì luật sư không thể có mặt khi người THTT lấy lời khai của người bị bắt.
Khi buổi lấy lời khai, buổi hỏi cung của người có thẩm quyền THTT (ĐTV, CBĐT) kết thúc thì luật sư có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Bộ luật TTHS năm 2003 quy định luật sư được hỏi khi có sự đồng ý của ĐTV.
Theo Bộ luật TTHS năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền THTT có trách nhiệm báo trước cho luật sư về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác. Ngược lại, trong Bộ luật TTHS năm 2003 thì luật sư phải đề nghị với cơ quan THTT báo trước về thời gian, địa điểm để có mặt khi hỏi cung bị can.
Một quyền năng rất mới mà luật sư được thực hiện đó là quyền đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người bị buộc tội trong những trường hợp cần thiết. Trong Bộ luật TTHS năm 2003 thì luật sư không có quyền này.
Trong trường hợp người có thẩm quyền THTT có biểu hiện gây cản trở, gây khó khăn đối với luật sư khi thực hiện các quyền này thì luật sư hoàn toàn có thể đưa ra những ý kiến để phản đối việc làm của họ nếu việc làm đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị buộc tội.
Luật sư có quyền thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.
Có thể nói đây là một quy định hoàn toàn mới về quyền của người bào chữa. Ngoài các cơ quan THTT gồm CQĐT, VKS và TA thì luật sư cũng là chủ thể được quyền thu thập chứng cứ.
Luật sư thu thập chứng cứ thông qua hình thức gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
Với các chứng cứ mà mình thu thập được ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào thì luật sư đều có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền THTT phải tiếp nhận, lập biên bản giao nhận, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên vụ án cung cấp. để đưa vào hồ sơ vụ án nếu xét thấy có lợi cho thân chủ. Người có thẩm quyền THTT phải có trách nhiệm thực hiện [2, Điều 88, khoản 2-4].
Để bảo đảm cho tranh tụng được thực hiện thì các bên tranh tụng (bên buộc tội, bên gỡ tội), đặc biệt là luật sư phải có mặt đầy đủ. Tại phiên tòa, cùng với các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án, các bên sẽ tranh luận công khai tại phiên tòa để bảo vệ quan điểm của mình. Tính hợp pháp và đầy đủ của hệ thống chứng cứ, tài liệu của bên buộc tội cần phải đáp ứng. Mọi tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do VKS chuyển đến TA để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp để làm căn cứ cho việc xét hỏi, tranh luận công khai, khách quan, toàn diện.
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của TA phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Với việc quy định như vậy thì tất cả tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án, trong đó có những tài liệu, chứng cứ do luật sư thu thập đều phải được xem xét, đánh giá, tranh luận làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của TA phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. HĐXX dù chấp nhận hay không chấp nhận các chứng cứ, tài liệu đó đều phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định.
Với sự tham gia của luật sư trong VAHS, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm hơn bởi luật sư là chủ thể gỡ tội. Nếu thiếu chủ thể gỡ tội thì chủ thể buộc tội khó mà phát huy chức năng tranh tụng của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hiến pháp năm 2013
[2] Bộ luật TTHS năm 2015
[3] TS. Trần Văn Biên- TS. Đinh Thế Hưng, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, Tr.23
[4] Điều 48 Bộ luật TTHS năm 2003
Thạc sĩ- Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan
Từ khóa: Tranh tụng, luật sư lưu thị ngọc lan,
Bài viết liên quan
Vai trò tranh tụng của luật sư tại phiên tòa xét xử
Bài nghiên cứu của Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan về Vai trò tranh tụng của luật sư tại phiên tòa xét xử
Xem thêmVề người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự
Bài nghiên cứu của Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Bài viết đề cập đến chế định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, thực tiễn thực hiện pháp luật, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện và hướng đề xuất, kiến nghị
Vai trò của luật sư trong hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Bài nghiên cứu của Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan đề cập đến một số nội dung liên quan đến vai trò của luật sư trong hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, những kiến nghị sửa đổi
Xem thêmNguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Bài nghiên cứu của Luật sư Lưu Thị NGọc Lan đề cập các quy định mới về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, những bất cập và giải pháp hoàn thiện.
Xem thêm