Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

14/3/2020


Chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1980, trú tại phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội có câu hỏi liên quan đến việc người nhà gây phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào khi gây tổn hại về sức khỏe cho người khác.

(Câu hỏi bằng văn bản gửi qua bưu điện tới Văn phòng Luật sư)

 

+


Hỏi:

 

Chồng tôi vừa qua có mâu thuẫn, xích mích với anh hàng xóm cạnh nhà. Chồng tôi trong cơn bực tức đã có hành vi đánh nhau, gây thương tích cho họ. Cơ quan công an đã cho bị hại đi giám định và kết luận họ bị 14% tổn hại sức khỏe. Chồng tôi bị khởi tố. Gia đình làm đơn bảo lãnh để được tại ngoại.

Xin luật sư cho tôi biết, đối với trường hợp của chồng tôi thì trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết như thế nào. Gia đình tôi bồi thường bao nhiêu cho đủ. Gia đình bị hại đòi bồi thường 120 triệu đồng trong khi hóa đơn viện phí bị hại cung cấp cho cơ quan công an chỉ có 9,8 triệu đồng. Gia đình tôi bồi thường cho họ 30 triệu đồng như bị hại không đồng ý. Gia đình tôi hiện rất khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Ecovid-19, cả hai vợ chồng tôi đều bị mất việc làm.

Trong khi đó bị hại cũng có lỗi là anh ta đã đánh chồng tôi trước. Chồng tôi cũng bị bầm tím mặt mày nhưng không đi giám định, có nhiều người chứng kiến. Anh hàng xóm cũng thừa nhận đánh chồng tôi trước sau đó chồng tôi đánh lại.

Vậy yêu cầu của bị hại có hợp lý không?

 

Trả lời:

 

Về nguyên tắc, một các nhân khi gây thiệt hại cho người khác đều phải chịu trách nhiệm dân sự. Chồng chị đã gây thương tích cho người hàng xóm thì đương nhiên phải bồi thường. Pháp luật dân sự gọi đó là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Chị lưu ý rằng: Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định trong Bộ luật dân sự. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Ở đây, giữa gia đình chị và người bị hại không tự thỏa thuận được về mức bồi thường , do vậy việc giải quyết về bồi thường sẽ do Tòa án giải quyết.

Khi giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ hợp lệ mà pháp luật quy định. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định người gây ra thiệt hại phải bồi thường cả về tổn thất tinh thần nếu bị hại có yêu cầu.

Theo như chị nói chồng chị cũng bị người bị hại đánh, như vậy có cơ sở xác định lỗi của người bị hại và gia đình chị hiện rất khó khăn, vậy đây cũng là một căn cứ mà chồng chị có thể được giảm mức bồi thường.Pháp luật đã có quy định rằng: Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

- Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại.

Vậy vợ chồng chị có thể trình bày với Tòa án để được xem xét.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi. Nếu có điều gì chưa rõ anh chị có thể gọi điện hoặc liên hệ tới Văn phòng luật sư theo địa chỉ dưới đây để được hỗ trợ.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ LAN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: Số 32B Phố Hoàng Như Tiếp, Phường Bồ Đề, Quận Long Biên, TP. Hà Nội
Điện thoại: 024.3872 5336               

Hotline: 0913 531 220 - 0912 002 481
Email: luathalan@gmail.com
Website: luathalan.vn

Trân trọng!

Thạc sĩ- Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan

 

(Lưu ý: Ý kiến tư vấn trên chỉ có giá trị tại thời điểm Văn bản pháp luật còn hiệu lực thi hành)

 

 

 

Từ khóa: ,