Vị luật sư tận tụy, người mẹ dũng cảm và cô con gái tật nguyền

30/6/2013

 
(VBF) -Những nhân vật trong câu chuyện kể này đều là những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế” liên quan đến khối di sản là nhà đất tại địa chỉ số 5 ngõ Ngõ Tân Lập nay là số nhà 25, ngõ 530 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư sở, Đống Đa(HN) có diện tích 53,76m‑2. Họ có mặt cùng nhau trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm và nay họ lại cùng nhau tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm tại Tòa phúc thẩm-TAND Tối cao tại Hà Nội.

+

(Trong ảnh: Cô gái tật nguyền Phạm Ánh Nguyệt và người mẹ dũng cảm của mình

Luật sư Nguyễn Văn Hà là Người bảo vệ cho Nguyệt là đương sự trong vụ án Chia di sản thừa kế)
 
 

Trong vụ án này, cô gái tật nguyền Phạm Ánh Nguyệt là nguyên đơn có bà Đào Thị P (mẹ đẻ) là đại diện theo ủy quyền còn bị đơn là cô ruột của Nguyệt - bà Phạm Thị T. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp  miễn phí cho cô gái tật nguyền này ở cả hai cấp xét xử là một luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ông tham gia vụ án theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội.

Ngày 21/06/2013 vừa qua là ngày cuối cùng vụ án được giải quyết dứt điểm. Một lần nữa cô gái tật nguyền- nạn nhân chất độc da cam ấy lại thắng kiện. Kết thúc phiên tòa, cô gái ấy đã cố cười và hình như cô muốn nói một điều gì đó với mọi người nhưng cô không thể truyền đạt được.

 

Còn người mẹ, bà đã khóc vì xúc động khi tòa tuyên án. Có lẽ ông trời lại một lần nữa thương con gái bà và đem lại công bằng cho cô ấy.

 

Vị luật sư đứng bên cạnh họ. Ông không còn căng thẳng như trước khi vào phiên tòa. Sự cố gắng của ông  cũng đã được đền đáp bằng kết quả phiên tòa. Niềm tin nội tâm của ông một lần nữa cũng đã chiến thắng.

 

Nội dung vụ án

 

Trở lại nội dung vụ kiện “ Tranh chấp thừa kế” cho thấy: Nhà đất tại địa chỉ số 5 Ngõ Tân Lập nay là số nhà 25, ngõ 530 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư sở, Đống Đa(HN) có diện tích 53,76m‑2  thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Phạm Công M  và Nguyễn Thị G theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà do UBND quận Đống Đa cấp năm 2004.

 

Trong quá trình chung sống, năm 1951 các cụ có làm thủ tục nhận ông Phạm Công C làm con nuôi. Năm 1957 các cụ mới sinh bà Phạm Thị T. Ngoài hai người con nói trên, các cụ không có người con nào khác.

 

Tháng 3/1970 ông C nhập ngũ, là chiến sỹ thuộc đại đội 1, Tiểu đoàn 7, sư đoàn 324, quân khu Bình Trị Thiên. Ngày 23/2/1971 trong trận chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông C bị thương và được ra Bắc điều trị, an dưỡng. Khi sức khỏe bình phục, ông C vào làm công nhân Xí nghiệp bàn chải nhựa Hàm Rồng. Năm 1980 do vết thương sọ não tái phát, mất khả năng lao động nên được xí nghiệp cho nghỉ chế độ.

 

Ông C có vợ là bà Đào Minh P và hai con chung Phạm Thu N ( SN1978) và Phạm Ánh Nguyệt (SN 1980). Riêng Phạm Ánh Nguyệt bị ảnh hưởng chất độc da cam- Dioxin nên từ khi sinh ra cuộc đời luôn gắn liền với chiếc xe lăn và không có khả năng lao động.

 

Do ảnh hưởng bởi vết thương, trong những cơn đau do bị hành hạ về thể xác, ông C đã đánh đập con vô cớ, dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Vợ chồng phải ly hôn. Ông C nhận nuôi hai con chung. Vì quyền lợi của hai con nên bà P đành gạt nước mắt đồng ý. Tuy nhiên trên thực tế thì cả hai con của bà P đều ở với ông bà nội và do ông bà nội chăm sóc. Được một thời gian, vì cuộc sống khó khăn nên năm 1990 hai cụ phải làm đơn đề nghị UBND phường xác nhận hoàn cảnh để gửi cháu Phạm Thu N vào trại nuôi dưỡng trẻ của Nhà nước.

 

Năm 1992, bà P có đơn xin nhận Phạm Ánh Nguyệt về nuôi và gửi vào làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) để trại nuôi dưỡng, dạy nghề và phục hồi chức năng.

 

Do mắc bệnh tâm thần nên năm 1994 ông C bỏ nhà ra đi không rõ tung tích.

 

Mười năm sau, vào ngày 10/08/2004 vợ chồng cụ M đã lập di chúc, định đoạt toàn bộ khối tài sản là nhà đất nêu trên cho một mình bà Phạm Thị T.

 

Sau khi có di chúc, năm 2005 bà T đã phá bỏ nhà cấp 4 của các cụ, xây dựng thành nhà 06 tầng như hiện tại.

 

Theo lời khai của Phạm Thu N (chị gái Phạm Ánh Nguyệt) thì khi bà nội mất, bà T có nói với chị rằng: ông bà đã có di chúc, căn nhà sẽ chia làm 03 phần, ông nội một phần, cô T một phần, hai chị em N được một phần. Nếu bán được thì sẽ chia bằng tiền theo giá trị tương đương.

 

Tuy nhiên, khi ông nội mất, bà T không thực hiện lời hứa của mình.  Bà T đã làm thủ tục khai nhận thừa kế và đứng tên sở hữu toàn bộ diện tích nhà đất nêu trên và năm 2007, bà T đã được UBND quận Đống Đa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.

 

Vì lý do đó, năm 2007 Phạm Thu N đã làm đơn đến Tòa án yêu cầu tuyên bố ông C chết để làm cơ sở khởi kiện chia thừa kế. TAND quận Đống Đa đã có quyết định tuyên bố ông C chết ngày 01/01/2000.

 

Ngày 04/01/2008, cô gái tật nguyền Phạm Ánh Nguyệt đã làm đơn khởi kiện ra Tòa, đề nghị Tòa án giải quyết cho hưởng một phần di sản mà bố cô được hưởng từ ông bà nội. Chị gái cô cũng có ý kiến nhường hết  phần tài sản (nếu được hưởng) cho cô em gái tật nguyền của mình.

 

Trước  khi khởi kiện cho đến khi vụ án kết thúc, Phạm Ánh Nguyệt không có chỗ ở. Cô phải ở nhờ Nhà chùa Sùng Bảo, thôn Xuân Nhân, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

 

Vị luật sư tận tụy

 

Là nạn nhân chất độc màu da cam-Dioxin nên Phạm Ánh Nguyệt được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí từ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội. Bản thân Nguyệt và mẹ của cô đều mong muốn họ có được một luật sư tận tụy, có trách nhiệm để giúp đỡ cô vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Trung tâm trợ giúp pháp lý  đã cử một luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội để giúp đỡ cô gái tật nguyền này.

 

 

Cô gái tật nguyền cùng mẹ tại phiên tòa

Khi nhận nhiệm vụ, gặp trực tiếp cô gái tật nguyền và bà P- người đại diện theo ủy quyền của cô, vị luật sư đã trăn trở rất nhiều bởi lẽ nếu chỉ căn cứ theo nội dung của Đơn khởi kiện ban đầu ( Đơn khởi kiện ngày 04/01/2008) thì bất lợi sẽ thuộc về Nguyệt nhiều hơn trong khi mẹ của cô vẫn bảo lưu ý kiến đã nêu trong Đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, nếu tôn trọng “ thân chủ” của mình thì vị luật sư thấy quyền và lợi ích của cô gái tật nguyền sẽ không được đảm bảo vì những ý kiến cần trình bày trong đơn còn thiếu rất nhiều trong đó liên quan chủ yếu đến bản Di chúc. Vậy phải làm sao đây?

 

Một lần, hai lần rồi ba lần. Cuối cùng vị luật sư cũng thuyết phục Nguyên đơn thay đổi , bổ sung nội dung Đơn khởi kiện. Ông hướng dẫn bà mẹ làm đơn gửi Tòa án, gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét.

 

Mặc dù làm trợ giúp pháp lý miễn phí nhưng vị luật sư vẫn nhiệt tình trong công việc. Ông dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu vụ án. Liên quan tới hình thức và nội dung  bản Di chúc, ông đã đi xác minh tại UBND phường Ngã Tư Sở. Với kết quả xác minh, đối chiếu với quy định của pháp luật đã cho thấy bản Di chúc vô hiệu về mặt hình thức. Phần tài sản định đoạt trong Di chúc đã bị tiêu hủy trước khi cụ Phạm Công M và Nguyễn Thị G chết. Phần xác nhận của UBND có dấu hiệu viết thêm nhưng không đóng dấu đè. Đó là những nội dung mà luật sư hướng dẫn thân chủ nêu trong Đơn khởi kiện bổ sung và trình bày tại phiên tòa.

 

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/08/2012, vị luật sư đi sâu vào phân tích về tính chất của bản Di chúc  cũng như về khía cạnh đạo đức xã hội. Ông cho rằng: Do không có căn cứ xác định con mình là ông Phạm Công C bố của Phạm Ánh Nguyệt đã chết do vậy, hơn ai hết các cụ phải hiểu rằng ngoài bà T là con gái thì các cụ còn có một người con trai là thương binh và hai cháu nội của mình trong đó có một cháu tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam. Vì vậy, khi lập Di chúc, các cụ phải giành một phần di sản của mình để cho ông C, người con mất khả năng lao động để ông có nhà ở và sinh sống, nếu ông C không ở thì cháu Phạm Ánh Nguyệt cần được hưởng, như vậy mới phù hợp với quy định của pháp luật cũng như phù hợp với truyền thống, đạo đức xã hội. Việc định đoạt tài sản tài sản trong bản Di chúc đã vi phạm vào Khoản 2, Điều 669, Điểm b, Khoản 1, Điều 652 Bộ luật Dân sự.

 

Không chỉ như vậy, vị luật sư nêu thêm về hoàn cảnh thực tế và nguyện vọng của cô gái tật nguyền. Là nạn nhân chất độc da cam, Phạm Ánh Nguyệt cần được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Việc cô gái tật nguyền khởi kiện chia thừa kế hoàn toàn có căn cứ. Và việc tạo điều kiện cho cô một chỗ ở thuận lợi phù hợp với người tàn tật là hoàn toàn chính đáng Tòa án chấp nhận.

 

Sự cố gắng của vị luật sư cũng đã được đền đáp.

 

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả tranh luận tại phiên ṭa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cô gái tật nguyền Phạm Ánh Nguyệt do bà Đào Thị P là đại diện theo ủy quyền.

 

Do Nguyệt bị tàn tật, cuộc đời gắn với chiếc xe lăn vì vậy không thể đi lên tầng cao được nên Hội đồng xét xử  đã chia cho ông C một phần diện  tích nhà tại tầng 1 để các con ông C tiện sử dụng. Kết quả kỷ phần của ông C được hưởng 4.121.600.000 đồng ( tương đương 25,6 m‑2 ) được chia cho các con ông C mà cô gái tật nguyền Phạm Ánh Nguyệt làm đại diện để nhận kỷ phần đó.

 

Sau phiên tòa sơ thẩm, phía bị đơn- bà Phạm Thị T kháng cáo.

 

Trước yêu cầu được trợ giúp pháp lý tại giai đoạn xét xử phúc thẩm của cô gái tật nguyền , Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tiếp tục cử vị luật sư đó và ông lại vào cuộc.

 

Mặc dù Nguyên đơn không kháng cáo và đã thắng kiện ở cấp sơ thẩm nhưng đến giai đoạn phúc thẩm ông vẫn tận tụy với công việc và với thân chủ của mình như lúc ban đầu. Từ việc hướng dẫn Nguyên đơn khai tại tòa cấp phúc thẩm ra sao, làm đơn kiến nghị như thế nào ông đều trao đổi cụ thể với họ bởi ông cho rằng trong mọi trường hợp đều không thể chủ quan được mặc dù niềm tin nội tâm mách bảo ông rằng công bằng sẽ vẫn đến với cô gái tật nguyền đó.

 

Kết quả phiên tòa phúc thẩm đã minh chứng điều đó. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của Bị đơn. Một lần nữa, cô gái tật nguyền tại thắng kiện. Và lần này, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng để tránh những phức tạp trong quá trình chung sống về sau khi Nguyên đơn ở liền kề với Bị đơn nên đã sửa án một phần sơ thẩm. Thay vì nhận diện tích 25,6 m‑2 thì Phạm Ánh Nguyệt sẽ được nhận phần tiền 4.121.600.000 đồng mà phía bị đơn phải có trách nhiệm thanh toán.

 

Người mẹ dũng cảm và cô con gái tật nguyền

 

Để có được kết quả như ngày hôm nay phải kể đến công sức lớn lao của bà Đào Minh P, người đã mang nặng đẻ đau sinh ra cô gái tật nguyền Phạm Ánh Nguyệt.

 

Cả cuộc đời bà hy sinh cho các con mình những mong con cái khôn lớn, trưởng thành nhưng ước mong của bà không được trọn vẹn. Nhìn cô con gái thứ hai sinh ra không được lành lặn như chị gái, ruột gan bà đau như cắt. Hậu quả của chiến tranh không chỉ cướp đi một phần xương máu của ông C chồng bà mà còn cướp đi cuộc sống bình yên của cô con gái út. Trí óc cô bé vẫn minh mẫn nhưng cô không thể tự phục vụ bản thân mình được mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Mỗi khi nhìn con gái, bà thấy cay đắng cho số phận của cô. Nhiều khi bà đã nghĩ: Con gái út của bà sẽ sống như thế nào khi không có bà bên cạnh.

 

 

Người mẹ ấy mang con đi cầu cứu khắp nơi

Những ngày tháng chăm sóc đứa con tật nguyền là những ngày tháng vất vả, khó khăn đối với bà.

 

Chính từ nỗi đau đó đã tạo thêm niềm tìn, sức mạnh cho bà, đặc biệt là khi bà gặp được luật sư.

 

Không kể nắng mưa, không kể trời giá rét, người mẹ ấy kiên trì đưa con đi cầu cứu khắp nơi, tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tới các cơ quan báo chí những mong họ sẽ quan tâm tới cô con gái tật nguyền và đem lại công bằng cho cô. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, bà không thể có đủ tiền để thuê xe cho con đi nên bà đành phải đi bằng xe đạp. Từ Hưng Yên bà đạp xe chở con lên Hà Nội.  Hình ảnh người đàn bà còng lưng đạp xe chở cô con gái tật nguyền trên đường khiến ai cũng phải cảm thấy xót xa.  Còn bà P, có những lúc bà buông xuôi vì mệt mỏi khi thời gian giải quyết vụ án kéo dài quá lâu. Nhưng nghĩ đến đứa con tàn tật, nhìn ánh mắt chứa đầy niềm hy vọng của cô con gái, bà lại nhủ lòng cố gắng để vượt qua. Cầu trời, khấn phật, bà mong sao nguyện ước của bà trở thành sự thật. Một chút lộc của ông bà nội để cho cháu sẽ giúp con bà có một cuộc sống tốt hơn đặc biệt những lúc không có bà bên cạnh.

 

Bà ươm những mầm xanh lớn thành cây chờ ngày đơm hoa kết trái. Kết quả của phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm là món quà mà bà đã từng mơ ước trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời mình.

 

Tâm sự người viết

 

Là người theo dõi vụ án suốt từ giai đoạn xét xử sơ thẩm đến xét xử phúc thẩm, tôi cảm phục tinh thần, trách nhiệm trong công việc của vị luật sư, sự dũng cảm, kiên trì của người mẹ và niềm tin của cô gái tật nguyền.

 

Tôi nghĩ đến ông Phạm Công C, người cha của cô gái tật nguyền. Tôi không biết ông còn sống hay đã chết vì ông ở một nơi rất xa, không rõ tung tích. Nhưng tôi tin rằng nếu ông còn sống thì những gì mà cô con gái tật nguyền của ông có được ngày hôm nay cũng là niềm mong ước của ông trong suốt cuộc đời còn lại.

 

Cô gái tật nguyền đã thắng kiện. Dẫu biết rằng việc thi hành án sẽ là một chặng đường khó khăn phía trước bởi số tiền 4.121.600.000 đồng không phải là nhỏ nhưng tôi tin rằng pháp luật sẽ ủng hộ mẹ con cô- những con người gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống./.

 

Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan - Văn phòng luật sư Hà Lan và Cộng sự

Đoàn luật sư TP Hà Nội

 

 

Nguồn tin: Liên đoàn luật sư Việt Nam

http://danhbaluatsu.net/danhba/vi/news/But-ky-luat-su/Vi-luat-su-tan-tuy-nguoi-me-dung-cam-va-co-con-gai-tat-nguyen-25/

 

 

 

 

 

Từ khóa: , ,