HÌNH PHẠT TỬ HÌNH ÁP DỤNG RA SAO?

4/1/2018

Vướng mắc của Khách hàng:

Anh Nguyễn Minh Tùng, sinh năm 1981, có địa chỉ thường trú tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có ý kiến liên quan đến quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự năm 2015.

(Câu hỏi gửi qua Email của luật sư)

 

 

+

(Trong ảnh: Quang cảnh một phiên tòa mà Luật sư tham gia)

Hỏi:

 Pháp luật của nước ta có quy định như thế nào về hình phạt tử hình?

Tôi nghe nói Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều quy định nhân đạo hơn đối với người phạm tội khi bị tuyên án tử hình. Vậy những quy định đó cụ thể như thế nào?

Mong luật sư giải đáp giúp?

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 thì: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự quy định.

Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đồng thời, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định có tính nhân đạo hơn. Ngoài các đối tượng trên không áp dụng hình phạt tử hình thì còn có thêm một đối tượng nữa là người đủ 75 tuổi trở lên.

Các đối tượng không thi hành án tử hình cũng mở rộng. Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã thêm hai đối tượng: Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Để giúp Anh hiểu rõ hơn, chúng tôi xin phân tích thêm:

- “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ hoặc người bị kết án đã tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.

- “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.

- “Lập công lớn” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, Điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.

Các đối tượng nêu trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi. Nếu Anh còn điều gì chưa rõ, xin vui lòng liên hệ với Văn phòng luật sư theo địa chỉ dưới đây để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ LAN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: Số 32B Phố Hoàng Như Tiếp, Phường Bồ Đề, Quận Long Biên, TP. Hà Nội
Điện thoại: 024.3872 5336               Hotline: 0913 531 220 - 0912 002 481
Email: luathalan@gmail.com  - vanphongluatsuhalan@gmail.com

   Website: luathalan.vn

Trân trọng!

Thạc sĩ- Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan

(Lưu ý: Ý kiến tư vấn trên chỉ có giá trị tại thời điểm Văn bản pháp luật viện dẫn còn hiệu lực thi hành)

 

 

 

 

Từ khóa: ,