Luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí – hiểu thế nào cho đúng?

30/11/2023

(www.liendoanluatsu.org.vn)- Trợ giúp pháp lý được hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

 

 

+

 
( Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Hà hướng dẫn đương sự trước phiên tòa dân sự)
 

Theo pháp luật hiện hành thì Trung tâm trợ giúp pháp lý có thẩm quyền ra quyết định phân công cho các Trợ giúp viên hoặc các Luật sư Cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng sau: Người nghèo; Người có công với cách mạng; Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người chưa thành niên; Phụ nữ là nạn nhân của tội mua bán phụ nữ và bạo lực gia đình.

Riêng những đối tượng là người phạm tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình thì thẩm quyền thuộc về Đoàn luật sư tỉnh, thành phố. Khi nhận được Công văn của cơ quan tiến hành tố tụng về việc yêu cầu cử luật sư bào chữa thì Đoàn luật sư tỉnh, thành phố sẽ có văn bản chuyển về các tổ chức hành nghề luật sư để phân công luật sư. Trung tâm trợ giúp pháp lý không thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này trừ trường hợp đối tượng là người chưa thành niên.

Ngoài ra, trong trường hợp không có quyết định phân công thực hiện trợ giúp pháp lý của cơ quan có thẩm quyền mà khi người dân trực tiếp đến để xin được trợ giúp thì các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư vẫn có quyền trợ giúp pháp lý miễn phí bình thường theo luật định.

Nhận trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư sẽ làm gì?

Người dân được trợ giúp pháp lý miễn phí tức là họ được  hưởng các dịch vụ pháp lý mà không phải trả tiền. Tuy nhiên, họ thường hay băn khoăn và quan tâm đến việc nếu nhận trợ giúp pháp lý thì luật sư sẽ làm những gì để giúp đỡ họ? Nhận vụ việc mà  không thu phí thì liệu rằng Luật sư có thể làm việc một cách nhiệt tình hay không?

Dưới đây là đôi điều mà luật sư  muốn trao đổi cùng bạn đọc.

Theo  Luật luật sư hiện hành thìluật sư có thể thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư được gắn với hai yêu cầu cụ thể như:

1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao.

2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc.

Với tôn chỉ đó, luật sư luôn luôn  ý thức rằng: việc tham gia trợ giúp pháp lý không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ  của chính mình. Vì vậy, dù không có thù lao nhưng khi đã nhận vụ việc, Luật sư đều cố gắng hết sức mình.

Trong phạm vi hành nghề của mình, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí ở các lĩnh vực sau:

Thứ nhất, tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

Thứ hai, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ viêc về tranh chấp dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính.

Thứ ba, thực hiện tư vấn pháp luật.

Thứ tư, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

Riêng các vụ việc liên quan đến kinh doanh, thương mại luật sư không thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí.

Khi trợ giúp lý miễn phí, luật sư thực hiện công việc ra sao?

Lại một câu hỏi mà người dân quan tâm.

Xin lấy một ví dụ nhỏ để hiểu được công việc mà luật sư làm.

Trong các vụ án dân sự thường có hai giai đoạn: Giai đoạn tiền tố tụng và giai đoạn tham gia tố tụng.Vậy theo từng giai đoạn luật sư sẽ làm gì để giúp người dân?

Trong giai đoạn tiền tố tụng: Khi nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Luật sư sẽ phải xác định xem yêu cầu của đương sự là quan hệ pháp luật nào, tranh chấp dân sự đó có thuộc thẩm quyên giải quyết của Toà án hay  không? Hay do một cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết. Vụ việc đó  có nên khởi kiện hay không? Nếu khởi kiện thì thủ tục ra sao? Đây chính là quá trình thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân.

Để thực hiện công việc có hiệu quả, luật sư sẽ thực hiện một số công việc như:

Gặp gỡ, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý về nội dung vụ việc tranh chấp; Hướng dẫn họ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; Hướng dẫn họ soạn thảo Đơn khởi kiện; Hướng dẫn họ nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết; Hướng dẫn họ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí; Soạn đơn xin miễn, giảm tiền án phí cho họ nếu họ có nguyện vọng…

Trong giai đoạn tố tụng: Luật sư sẽ hướng dẫn đương sự - người được trợ giúp pháp lý miễn phí thu thập chứng cứ; Giao nộp chứng cứ cho Tòa và đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ; Hướng dẫn cho các đương sự tự nguyện hòa giải. Trong  nhiều trường hợp luật sư sẽ tự đi xác minh, thu thập chứng cứ để phục vụ cho công việc của mình…

Đồng thời Luật sư tiến hành nghiên cứu hồ sơ để trên cơ sở đó có hướng giải quyết phù hợp và chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ tại phiên tòa.

Ngoài ra, Luật sư sẽ hướng dẫn cho đương sự làm thủ tục kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trong nhiều trường hợp nếu Bản án đã có hiệu lực pháp luật thì luật sư còn hướng dẫn cho người được trợ giúp pháp lý về thủ tục thi hành án và các vấn đề khác có liên quan.

Đối với các việc dân sự, khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, Luật sư sẽ giúp họ chuẩn bị hố sơ yêu cầu và tham gia trong giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Luật sư sẽ thực hiện một số công việc như: Trao đổi, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý để xác định yêu cầu của họ có thuộc thủ tục giải quyết việc hay không; Xác định thời hiệu yêu cầu, thẩm quyền giải quyết việc dân sự mà họ yêu cầu; Hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý soạn thảo đơn yêu cầu; Hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý thu thập chứng cứ để gửi kèm theo đơn yêu cầu và chuẩn bị hồ sơ yêu cầu cho người được trợ giúp pháp lý; Thu thập chứng cứ trong trường hợp họ không thể tự thu thập được; Nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị các căn cứ pháp lý trong việc tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu; Giúp người được trợ giúp pháp lý kháng cáo và tham gia thủ tục phúc thẩm việc dân sự.

Công việc quả là không ít.

Luật sư - Người bạn của dân

Có thể thấy rằng, khi nhận một vụ việc của khách hàng mà đặc biệt họ lại thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, luật sư sẽ rất bận bịu. Tuy thực hiện vụ việc không có thù lao từ phía người được trợ giúp pháp lý nhưng không phải vì thế mà luật sư không có trách nhiệm. Một ví dụ nhỏ  trên đây cho thấy luật sư làm việc bằng cái tâm của mình chứ không phải vì lợi ích vật chất. Xin đừng hoài nghi rằng không có thù lao thì luật sư sẽ không làm việc tốt được. Khi người được trợ giúp pháp lý cần, luật sư  rất sẵn sàng.

Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí là thực hiện một hoạt động tiến bộ, có tính nhân đạo nhân văn cao cả vì con người và nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của con người đồng thời cũng là bảo vệ lợi ích pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 Nhờ được trợ giúp pháp lý miễn phí mà những người nghèo, những đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận, sử dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan - Văn phòng luật sư Hà Lan và Cộng sự
Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Nguồn:  Liên đoàn Luật sư Việt Nam (www.liendoanluatsu.org.vn)

Từ khóa: , ,

Bài viết liên quan