Vai trò của luật sư trong hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

31/12/2017

Tóm tắt:

Bài viết đề cập một số quy định mới liên quan đến vai trò của luật sư  trong hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và những kiến nghị sửa đổi.

Abstract: The article mentions a number of new regulations related to the role of lawyers in adjudication activities according to the provisions of the Criminal Procedure Code 2015 and recommendations for amendments.

 

+

 

Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan tại phiên tòa hình sự TAND huyện Sóc Sơn

 

1. Vai trò của luật sư trong hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành với nhiều quy định tiến bộ, khẳng định vai trò, vị thế, của luật sư trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là vai trò trong việc thực thi nguyên tắc bảo đảm tranh tụng cụ thể hóa những tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì khi tham gia vụ án hình sự, luật sư có thể tham gia với tư cách là người bào chữa cho người bị buộc tội là các bị can, bị cáo. Luật sư cũng có thể tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, đương sự trong vụ án. Dù ở tư cách nào thì luật sư cũng có sự chủ động trong việc thực hiện quyền tranh tụng của mình.

Thứ nhất, khi có yêu cầu của người bị buộc tội thì luật sư có quyền xuất hiện sớm kể từ thời điểm một người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì luật sư được quyền có mặt từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trước đây, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì quyền bào chữa xuất hiện muộn hơn, luật sư có mặt vào thời điểm một người bị tạm giữ.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc luật sư xuất hiện sớm có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết sự hiện diện của luật sư sẽ giúp người bị buộc tội ổn định về tâm lý, có sự bình tĩnh, kịp thời bảo vệ được những quyền lợi hợp pháp của họ.

Thứ hai, luật sư được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, được gặp bị can, bị cáo, thu thập và xuất trình tài liệu, đồ vật, nghiên cứu hồ sơ vụ án.... Theo Bộ luật Tố tụng năm 2003 thì không có quy định về việc luật sư được quyền hỏi người bị buộc tội sau khi Điều tra viên hỏi xong.

Thứ ba, luật sư được quyền tham gia tranh tụng với tất cả các chủ thể tham gia tố tụng, đặc biệt là chủ thể buộc tội. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Đây là một quy định hoàn toàn mới mà trước đây Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định. Có thể nhận thấy trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng hình sự.  Nguyên tắc tranh tụng được thể chế hóa từ nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Mặc dù điều luật quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử nhưng nội dung của điều luật này cho phép luật sư thực hiện hoạt động tranh tụng của mình xuyên suốt các giai đoạn tố tụng bắt đầu từ khi người bị buộc tội bị tạm giữ, cho đến khi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, song song với việc bảo đảm nguyên tắc tranh tranh thì vị trí, vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng cũng được đề cao. Cùng với việc quy định rõ chức năng buộc tội của Viện kiểm sát, chức năng xét xử của Tòa án thì chức năng bào chữa của luật sư được tôn trọng và bảo vệ.

Thứ tư, luật sư có quyền bình đẳng với cơ quan các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tại các giai đoạn tố tụng, sự bình đẳng thể hiện trong việc luật sư được đưa ra chứng cứ, được đánh giá chứng cứ, được đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Mọi tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác mà pháp luật quy định.

Tòa án giữ vai trò là cơ quan xét xử phải có trách nhiệm bảo đảm cho sự bình đẳng trong quá trình tranh tụng. Các chủ thể tranh tụng (Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác) đều được Tòa án tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình tại phiên tòa.

Tại giai đoạn xét xử “Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án”. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định nào như vậy.

Thứ năm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là phải báo trước cho luật sư về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác. Ngược lại, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì luật sư phải đề nghị với cơ quan tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm để có mặt khi hỏi cung bị can.

Thứ sáu, luật sư được quyền đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế  trong những trường hợp cần thiết. Đây là một quy định mới nhằm phát huy vai trò của luật sư trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.

 Trong trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có biểu hiện gây cản trở, gây khó khăn đối với luật sư khi thực hiện các quyền này thì luật sư hoàn toàn có thể đưa ra những ý kiến để phản đối việc làm của họ nếu việc làm đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị buộc tội.

Thứ bảy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cho luật sư có quyền thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Có thể nói đây là một quy định hoàn toàn mới về quyền của người bào chữa. Ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án thì luật sư cũng là chủ thể được quyền thu thập chứng cứ, kiểm tra và đánh giá chứng cứ.

Thứ tám, luật sư có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiếp nhận, lập biên bản giao nhận, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên vụ án cung cấp để đưa vào hồ sơ vụ án nếu xét thấy có lợi cho thân chủ. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khá chặt chẽ nhằm ràng buộc trách nhiệm của cá nhân những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thu thập và bảo quản chứng cứ.

Với một số những điểm mới trên đây cho thấy Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã thể hóa tương đối đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp, góp phần  tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của mình theo luật định.  Đặc biệt, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử được chú trọng theo đó vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng cũng được khẳng định.

2. Một số đề xuất hoàn thiện trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Với những quy định mang tính tiến bộ, có thể coi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, góp phần vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Mặc dù vậy, về mặt kỹ thuật lập pháp cho thấy Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn còn có những hạn chế, bất cập dẫn đến cách hiểu không thống nhất, cách vận dụng luật còn thiếu đồng bộ cần khắc phục, hoàn thiện:

Thứ nhất, liên quan đến quyền tiếp xúc của luật sư đối với người bị buộc tội

Mặc dù Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người người bị buộc tội, nhưng cũng tại điều luật này vẫn còn tồn tại quy định giống như quy định cũ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, theo đó, người bào chữa muốn được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thì phải được người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý.  Đây lại là nút thắt làm mất đi cơ hội được tiếp xúc với người bào chữa của người bị buộc tội. Nếu như Điều tra viên không đồng ý thì đương nhiên luật sư không thể hỏi thân chủ của mình về một số những tình tiết liên quan đến vụ án, thu thập thông tin, hoặc làm rõ một số nội dung tình tiết phục vụ cho việc bào chữa của mình.

Thứ hai, liên quan đến lịch hẹn tiến hành các hoạt động tố tụng

Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự  năm 2015 có quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, khoảng thời gian hợp lý này trên thực tế có thể hợp lý với chủ thể gỡ tội nhưng không hợp lý với chủ thể gỡ tội. Hiện nay, khoảng thời gian hợp lý đang được áp dụng là trước 24 (hai mươi bốn) giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 (bốn mươi tám) giờ. Như vậy, đối với cơ quan điều tra thì họ hoàn toàn có sự chủ động từ trước về việc tiến hành các hoạt động tố tụng. Nhưng với luật sư thì lại ở thế bị động. Không chỉ một vụ việc mà luật sư còn thực hiện nhiều vụ việc khác đan xen, đặc biệt là tham gia phiên tòa. Nếu như chỉ báo trước một ngày thì luật sư khó có thể thu xếp để tham gia được. 

Về hình thức thông báo, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng không quy định rõ là thông báo bằng hình thức nào, bằng miệng hay bằng văn bản. Nếu bằng miệng, thông qua gọi điện thì luật sư có thể tiếp nhận thông tin ngay, nhưng nếu thông báo bằng văn bản mà gửi qua đường bưu điện thì khi luật sư nhận được văn bản thì buổi lấy cung đã được hoàn tất.

Luật quy định rằng nếu vắng người bào chữa thì hoạt động tố tụng vẫn diễn ra bình thường. Trong những trường hợp như vậy thì buổi lấy cung có thực sự khách quan hay không? Quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội liệu có được bảo đảm không? Tình trạng ép cung, mớm cung có bị đẩy lùi? Và một điều dễ nhận thấy là thiếu luật sư trong các buổi lấy cung sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nguyên tắc bảo đảm tranh tụng cũng như vai trò của luật sư khi tham gia vụ án.

Thứ ba, liên quan đến quyền bình đẳng trong thu thập, xuất trình và đánh giá chứng cứ

Mặc dù đây là quy định mới, tiến bộ trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tuy nhiên, để điều luật đi vào cuộc sống là cả một vấn đề.

Luật sư cũng như người bị buộc tội đều có quyền thu thập, xuất trình và đánh giá chứng cứ. Với luật sư thì việc thực hiện các quyền này thuận tiện hơn nhưng đối với người bị buộc tội thì rất khó có thể thực hiện các quyền này vì họ là bên đối trọng với bên buộc tội. Đối với chủ thể buộc tội, họ là những người trực tiếp giải quyết vụ án và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội theo quy định của pháp luật. Còn người bị buộc tội lại là đối tượng chịu sự quản lý của họ. Nếu bị tạm giam thì không có cơ hội thực hiện việc thu thập, xuất trình và đánh giá chứng cứ. Nếu người bị buộc tội được tại ngoại thì lại bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nên cơ hội thu thập, xuất trình và đánh giá chứng cứ bị hạn chế rất nhiều. Việc quy định tính bình đẳng trong thu thập, xuất trình và đánh giá chứng cứ là không khả thi trong thực tiễn khi mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là phải tạo điều kiện cho người bị buộc tội có cơ hội bình đẳng trong việc thu thập, xuất trình và đánh giá chứng

Thứ tư, liên quan đến hoạt động điều khiển phiên tòa.

Trong giai đoạn xét xử, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chủ tọa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho bên buộc tội, bên gỡ tội được tranh luận, trình bày hết ý kiến của mình, tuy vậy lại vẫn còn tồn tại quy định rằng chủ tọa phiên tòa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Ở đây, hiểu thể nào là ý kiến không liên quan hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cá nhân người tiến hành tố tụng. Với người bị buộc tội hay người bào chữa thì ý kiến trình bày đó là nội dung minh chứng cho quan điểm bào chữa của mình. Nhưng với chủ tọa phiên tòa khi không hiểu rõ hoặc có ý bênh một trong hai bên lại viện cớ cho rằng ý kiến mà luật sư trình bày không liên quan đến việc bào chữa và họ có quyền cắt đi. Và như vậy quyền tranh luận của bên gỡ tội đã bị hạn chế. Nguyên tắc tranh tụng chưa được bảo đảm tuyệt đối.

Thứ năm, liên quan đến trách nhiệm tranh tụng tại phiên tòa

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung nguyên tắc mới đó là nguyên tắc: Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26) theo đó Tòa án đóng vai trò là cơ quan xét xử có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hiệu quả tranh tụng tại các phiên tòa chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia tranh tụng còn hạn chế. Hai chủ thể chính tham gia vào quá trình tranh tụng là Kiểm sát viên và luật sư. Nếu một trong hai chủ thể hoặc cả hai chủ thể đó không phát huy vai trò của mình thì hiệu quả tranh  tụng không cao. Theo quy định thì “Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu, lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, rất nhiều trường hợp Kiểm sát viên không đối đáp lại quan điểm của luật sư. Lý do Kiểm sát viên không tham gia đối đáp là do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mới chỉ quy định đối đáp là trách nhiệm, là quyền năng của Kiểm sát viên, nhưng lại không quy định đó là nghĩa vụ. Và do đó không có chế tài nào cho việc vi phạm nghĩa vụ đó. Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên không đối đáp mà chỉ bảo lưu ý kiến thì đương nhiên việc tranh tụng sẽ dừng lại ở đó. Do vậy, cần thiết phải quy định đối đáp là nghĩa vụ của Kiểm sát viên để nâng cao chất lương tranh tụng tại phiên tòa.

Thứ sáu, liên quan đến văn hóa pháp đình

Đây là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện chưa có một quy định cụ thể nào về việc buộc các chủ thể tham gia tố tụng phải có nghĩa vụ tôn trong văn hóa pháp đình. Dù là Kiểm sát viên, dù là luật sư hay bất cứ người nào đã tham gia tố tụng là phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Thực tiễn cho thấy, tại nhiều phiên tòa đã có những trường hợp chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội đã có những hành xử thiếu văn minh, xúc phạm lẫn nhau bằng những lời lẽ thô tục. Các chủ thể thay vì tìm các tài liệu chứng cứ, lập luận, quan điểm để đối đáp với phía bên kia nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ án thì họ lại quay ra chỉ trích lẫn nhau. Và dĩ nhiên, việc đối đáp trong trường hợp này sớm bị kết thúc. Ngoài ra, trong nhiều phiên tòa cũng còn có những hình ảnh các thành viên hội đồng xét xử thiếu nghiêm túc trong quá trình xét xử. Họ có thể nói chuyện với nhau, nghe điện thoại hoặc làm những việc khác trong khi luật sư đang trình bày quan điểm bào chữa. Hành động có thể được coi là không tôn trọng người bào chữa. Có cả trường hợp thành viên hội đồng xét xử bỏ ra ngoài khi đang xét xử. Vậy trong trường hợp này thì quan điểm của luật sư dù hay đến đâu, thuyệt phục đến đâu đi chăng nữa thì Hội đồng xét xử dường như không quan tâm. Sự “vô tư” đó của thành viên Hội đồng xét xử đã cắt đi nguồn cảm hứng của luật sư và ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.  Tôn trọng văn hóa pháp đình là một vấn đề cần thiết phải quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là nghĩa vụ mà tất cả các chủ thể tố tụng phải tuân theo./.

 Thạc sĩ- Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan

 

 

 

 
 

Từ khóa: , , ,

Bài viết liên quan