Liêm chính bền vững trong đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn là thách thức

30/11/2023

(Mặt trận) - Thời gian qua, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo xảy ra nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành giáo dục. Hướng tới một nền giáo dục liêm chính không có tiêu cực học đường, đề cao sự tự trọng và danh dự cho giảng viên và sinh viên cũng là mục tiêu được Trường Đại học Tài chính-Ngân hàng hướng tới thông qua Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đảm bảo liêm chính học thuật trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học”.

+


Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng - Ban Nội chính Trung ương chỉ ra hàng loạt bất cập, thậm chí là tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành giáo dục, chất lượng dạy và học cũng như công tác quản lý.

TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng - Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: K.H.

Các hành vi tiêu cực điển hình là thiếu liêm chính trong nghiên cứu học thuật; đạo văn, đạo dịch, ngụy tạo số liệu, mua bán tài liệu học thuật; dạy thêm, học thêm không đúng; thu ngoài quy định; tiêu cực trong tuyển sinh, thi cử; cấp bằng giả; nâng khống các thiết bị giáo dục để trục lợi;… đang thực sự là vấn nạn cần được dẹp bỏ.

TS. Nguyễn Xuân Trường viện dẫn ra nhiều vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục đã bị xử lý một cách nghiêm khắc. Đơn cử như vụ án xảy ra tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình với tổng số 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm, trong đó có 20 bài thi ngữ văn và 142 bài thi trắc nghiệm, cao nhất lên đến 26,45 điểm/bài thi.

Có thí sinh trở thành thủ khoa đại học, nhiều thí sinh vào top điểm cao nhất. Trong vụ án này có 15 người là giáo viên, cán bộ phòng giáo dục, sĩ quan công an bị đưa ra truy tố và xét xử với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cũng tại Sơn La, vẫn là kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã khởi tố 12 bị can, trong đó 8 người bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, 4 người bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ.

Đưa ra quan điểm đổi mới, TS. Nguyễn Xuân Trường cho rằng, cần thiết phải có sự đánh giá một cách toàn diện, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Yếu tố đầu tiên, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của liêm chính và phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Phải coi công tác phòng, chống tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác giáo dục… Tiếp theo, cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế về phòng, chống tiêu cực ngay trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

Một biện pháp nữa là siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo…

Chưa có nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu về thực trạng liêm chính học thuật ở Việt Nam

Trong bài tham luận của mình, GS.TS Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra kinh nghiệm bảo đảm liêm chính học thuật ở một số trường đại học trên thế giới. Cụ thể, tại Úc, Hiệp hội các trường đại học Úc đã thống nhất 7 nguyên tắc chung để liêm chính học thuật như: Quyền tự chủ thể chế; Trách nhiệm chung; Phương pháp toàn diện; Các chính sách và thực hành thể chế hiệu quả; Huy động sự tham gia và trao quyền cho người học; Trao quyền và gắn kết với nhân viên và cuối cùng là nguyên tắc: “Phối hợp với nhau”.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: K.H.

Tại một số trường đại học ở châu Âu đã đưa ra 5 bài học để xây dựng văn hóa liêm chính trong học thuật bao gồm: Nắm bắt sự đổi mới để thích ứng với bối cảnh đang thay đổi; Dạy tính chính trực trong học tập như một bộ kỹ năng; Đưa các giá trị liêm chính học thuật vào thực tiễn; Thu hút sự tham gia của toàn bộ cộng đồng đại học và Xây dựng văn hóa liêm chính từng bước một.

Theo GS.TS Vũ Công Giao, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu nào về thực trạng liêm chính học thuật ở Việt Nam, vì thế chưa thể đánh giá chính xác phạm vi và mức độ của vấn đề. Nhìn chung, những ý kiến trao đổi về liêm chính học thuật ở Việt Nam chủ yếu mới tập trung vào hình thức phổ biến nhất, đó là sao chép, còn những hình thức thiếu liêm chính học thuật khác như gian lận, bịa đặt… còn ít được chú ý.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến nay chưa ban hành quy chế riêng về liêm chính học thuật mà mới chỉ lồng ghép một quy định vào các quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có thể xem là một bất cập lớn, kéo theo sự ‘lơ là’ của một số trường đại học trong vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: K.H.

Một bất cập khác, Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ chỉ đề cập đến liêm chính trong giáo dục đại học mà chưa tính đến liêm chính trong hoạt động của các cơ sở nghiên cứu và trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung.

Ở góc độ quản lý, GS.TS Vũ Công Giao cho rằng, Nhà nước cũng cần ban hành văn bản hay quy định cấm và xử lý những hành vi vi phạm liêm chính học thuật mang tính chất thương mại hoá, cụ thể như tổ chức cung cấp dịch vụ viết hay mua bán luận văn, luận án, bài tập, đi học, đi thi hộ cho sinh viên, học viên…

Giám sát của xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học

Có mặt tại Hội thảo, ThS. Trương Thành Trung, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa ra góc nhìn mới, nhấn mạnh tới việc: “Tăng cường vai trò giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học”.

Theo ThS. Trương Thành Trung, giám sát của xã hội là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm sự ngay thẳng, trong sạch trong toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, nhất là hoạt động học thuật như: Nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, giám sát của xã hội góp phần nhận diện, vạch rõ, ngăn chặn các hành vi đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực trong học thuật, thông đồng, hối lộ hay đe doạ trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hướng dẫn khoa học.

ThS. Trương Thành Trung, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: K.H.

Hiện nay, cơ sở pháp lý chủ yếu để xã hội giám sát cơ sở giáo dục đại học là Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy chế thực hiện công khai của các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo đại học nói riêng.

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện, Thông tư này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập như: Nội dung công khai còn sơ sài, chưa bao quát được hết các công tác trong cơ sở đào tạo đại học; Thời gian niêm yết công khai quá ngắn; không ít cơ sở đào tạo đã gỡ ngay thông tin khi hết thời hạn theo quy định, điều này làm cho xã hội thiếu cơ sở để giám sát thường xuyên việc thực hiện công tác của cơ sở đào tạo; Ba là, thiếu chế tài đủ mạnh đối với các cơ sở đào tạo không thực hiện 3 công khai hoặc có thực hiện nhưng đối phó, không đúng quy định…

Tại Hội thảo, ThS. Trương Thành Trung đưa ra 5 giải pháp tăng cường vai trò giám sát của xã hội gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò giám sát của xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; Xây dựng, hoàn thiện quy định về liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; Thông tin kịp thời, công khai, minh bạch về hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; Phát huy vai trò của nhà khoa học, chuyên gia tham gia giám sát sự liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và cuối cùng là: “Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng; các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học”.

Đặc biệt, tại giải pháp thứ 5, ThS. Trương Thành Trung nhấn mạnh tới vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng; các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Đây là các chủ thể có vai trò quan trọng thực hiện sự giám sát đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Các chủ thể này một mặt góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sự liêm chính mặt khác góp phần nhận diện, chỉ rõ các hành vi vi phạm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập nói riêng.

Sự giám sát các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân góp phần nhận diện, vạch rõ các hành vi thiếu trung thực, thiếu minh bạch trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học như: đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực trong học thuật, thông đồng, hối lộ hay đe doạ…

Liêm chính thực chất và bền vững luôn là một thách thức

Tham luận: “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ góp phần đảm bảo liêm chính trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học” của TS Hoàng Lan Phương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia nhận được sự quan tâm, thảo luận từ phía các đại biểu và các GS, PGS, TS… đang làm công tác giảng dạy tại Đại học Tài chính- Ngân hàng Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại mà không cần phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền được quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu Trí tuệ còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tại.

TS Hoàng Lan Phương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: K.H.

 Luật quy định sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện là việc sao chép không quá 03 bản để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ. Với thực tế hiện tại, quy định trên rất khó thực hiện, thậm chí gây khó cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp cận thông tin.

Trong tham luận cũng như phát biểu ý kiến của PGS.TSKH Bùi Xuân Biên, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Phạm Ngọc Ánh, Hiệu trưởng cùng nhiều ThS. PGS.TS đang công tác tại Trường Đại học Tài chính- Ngân hàng Hà Nội cho thấy nhà trường nhận thức được tầm quan trọng của yêu cầu liêm chính trong hoạt động giáo dục, ngay từ những ngày đầu thành lập. Nhà trường đã sớm cụ thể hóa yêu cầu đảm bảo liêm chính trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học bằng các quy định cụ thể, đồng thời từng bước xây dụng và kiện toàn bộ máy tổ chức để đảm bảo thực hiện.

Rõ nhất là thời điểm năm 2011, Hội đồng quản trị đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-ĐHTNH-HĐQT công bố Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi – Mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội. Trong đó, giá trị cốt lõi được xác định ngay đầu tiên đó là: “Trọng giá trị tri thức và thượng tôn đạo đức nghề nghiệp”.

TS. Phạm Phan Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội với tham luận liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: K.H.

Đặc biệt, Trong bộ quy tắc về đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 30A/QĐĐHTCNH-QLKH ngày 17/2/2017 đã xác định cụ thể các chuẩn mực đạo đức trong ứng xử của các giảng viên, cán bộ quản lý và các đối tượng sinh viên, học viên trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Năm 2021, tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển trường Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội, trong Tuyên bố về Sứ mạng – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi – Triết lý giáo dục cùng với việc Kế hoạch chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021- 2025, yêu cầu về liêm chính tiếp tục được khẳng định, làm rõ và bổ sung, đó là: “Phát triển học thuật mang tính dân chủ cao; Không tiêu cực học đường; Minh bạch, thượng tôn pháp luật và cam kết”.

GS.TS Hoàng Trần Hậu, Chủ tịch Hội đồng giám sát giáo dục Đại học Tài chính- Ngân hàng Hà Nội đóng góp ý kiến cho các tham luận. Ảnh: K.H.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Ánh, tôn trọng và cam kết thực thi yêu cầu liêm chính trong hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học luôn là sợi chỉ đỏ, là giá trị xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng quản trị cũng như việc tổ chức hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Tuy nhiên, cũng như với tất cả các cơ sở giáo dục đại học khác, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của công nghệ cũng như với nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau thì việc đảm bảo liêm chính một cách thực chất và bền vững trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn là một thách thức to lớn đối với các nhà trường.

Khắc Hạnh




 Chia sẻ

Từ khóa: ,

Bài viết liên quan