Tư vấn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

4/1/2020

 

Quyền sở hữu công nghiệp là một trong 03 nhóm Quyền sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

+

 

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm một số các đối tượng như: Sáng chế, giải pháp hữu ích; Kiểu dáng công nghiệp; Thiết kế bố trí; Nhãn hiệu; Chỉ dẫn địa lý...

 Các đối tượng này được Nhà nước bảo hộ trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục sở hữu trí tuệ (theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật  sở hữu trí tuệ) hoặc công nhận đăng ký quốc tế (theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên);

 Lưu ý: Đối với các nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào việc chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ có thực hiện thủ tục đăng ký hay không.

Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về một số đối tượng này.

Thứ nhất, liên quan đến Sáng chế- Giải pháp hữu ích.

Luật sở hữu trí tuệ quy định: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Có hai hình thức bảo hộ Sáng chế. Cụ thể:

Sáng chế được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế khi đáp ứng các tiêu chí sau: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các tiêu chí như: Có tính mới; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Thứ hai, liên quan đến Kiểu dáng công nghiệp.

 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Kiểu dáng công nghiệp được Nhà nước bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây; Có tính mới; Có tính sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Thứ ba, liên quan đến Thiết kế bố trí.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì Thiết kế bố trí tên gọi rút gọn của Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

Về bản chất, mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

Thiết kế bố trí được Nhà nước bảo hộ nếu đáp ứng hai điều kiện là có tính nguyên gốc và có tính mới thương mại.

Thứ tư, liên quan đến Nhãn hiệu.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu được Nhà nước bảo hộ nếu đáp ứng hai điều kiện sau:

- Dấu hiệu đó phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

- Dấu hiệu đó phải là dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Nhãn hiệu được biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Nhãn hiệu tập thể; Nhãn hiệu chứng nhận; Nhãn hiệu liên kết; Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thứ năm, liên quan đến Chỉ dẫn địa lý.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý được Nhà nước bảo hộ nếu đáp ứng hai điều kiện sau đây:

- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Trên đây chỉ là một vài nội dung trong số rất nhiều các nội dung liên quan đến Quyền sở hữu công nghiệp.

Nếu Quý Ông (Bà) muốn hiểu rõ hơn về các quyền này, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý.

Dưới đây là thông tin chỉ dẫn:

 

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ LAN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 32b, phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội

Điện thoại: 0243- 8725336

Hotline: 0913 531 220 - 0912 002 481

Email: luathalan@gmail.com

Trân trọng cảm ơn Quý Ông (Bà) đã tin tưởng sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi!

 

Thạc sĩ- Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan

 

 

 

Từ khóa: ,

Bài viết liên quan